Menu

BÓC PHỐT CHỊ VIỆT KIỀU ĐẠI GIA, NGỰC BỰ LỪA ĐẢO

02:09 - 25/02/2018

Anh chị em bán hàng online nhất thiết phải đọc bài này và tag, chia sẻ để những người bạn có bán hàng online của mình cùng đọc nhé!

Đầu tiên, là cái tiêu đề có chữ NGỰC BỰ để thu hút sự tò mò của anh chị em thôi, không có gì đâu, cả nhà bỏ qua chi tiết đó đi nhé

Chủ đề chính là khoảng 1 năm trở lại đây, có 1 hình thức LỪA ĐẢO cực kỳ TINH VI nhắm vào các anh chị em bán hàng qua facebook, zalo và các trang web online. Đã có hàng trăm người bị lừa nhưng mỗi ngày vẫn có thêm nhiều nạn nhân. Đáng lo là đối tượng lừa đảo chỉ nhắm vào những mặt hàng có giá trị lớn (trên 10 triệu), kiểu mất công lừa thì lừa cho bõ công. Vì thế, những anh chị em mà bán hàng cỡ vài ba chục ngàn tới vài ba trăm thì cũng không sợ lắm đâu nhé, ahihi.

Có nhiều bài cảnh báo nhưng vẫn thêm nhiều người bị lừa, lý do bởi đối tượng quá tinh vi. Đó là lý do mình đăng bài này lên, hi vọng cả nhà tag bạn bè, share thật rộng rãi để cho người quen tránh mất tiền oan cho lũ khốn nạn ăn không trên mồ hôi công sức của mình. Trong hình ảnh, Thủy Lê có đính kèm logo của công ty, mục đích không muốn mọi người copy tràn lan thiếu tôn trọng tác giả, vì thế khi thấy logo bên mình mọi người không cần bận tâm lắm.

Sau đây mình nói rõ về hành vi của đối tượng hoặc nhóm đối tượng này (gọi tắt là CHÚNG NÓ).

Bước 1:

Chúng nó sẽ tạo 1 tài khoản Facebook có tên đàng hoàng, vai chúng nó đóng là VIỆT KIỀU trung tuổi, có hiểu biết. Tên thì mang đậm chất Việt kiều kiểu như “Tina Tèng, Jenni Buồi, Julia Ngọc Chinh,…”, đại loại như thế hoặc sẽ là những tên nghiêm chỉnh, tên nó hiện vẫn đang dùng là “Pham Doan Le Thi hay Doan Pham,…”. Hình đại diện sẽ vào facebook của vài anh chị Việt kiều xịn, ăn cắp hình của người ta rồi đăng lên Facebook của mình.

Lưu ý chúng vẫn đăng bài hoạt động, có like, có tương tác bạn bè, nhìn Fb như thật và có post 1 số hình ảnh ăn chơi ở Tây để nhìn vào 1 cái, người ta dễ tin đó là Việt kiều thật, đại gia có tiền.Bước 2:

Chúng nó lân la tìm các Facebook bán hàng online, nhắm các đối tượng giao dịch thường xuyên và thường có tiền kha khá trong tài khoản (cái này anh chị em nào hay khoe tiền với khoe tài khoản trên Fb chú ý nè, khoe cho lắm là thành đối tượng của bọn lừa đảo). Chúng kết bạn hoặc nhắn tin hỏi mua hàng.

Cách thức hỏi rất lịch sự, viết câu cú đầy đủ, trình bày rõ ràng, tỏ ra có học, và luôn mở màn với lý do “Cần mua vé gấp cho người thân/ Cần mua túi hàng hiệu ở Việt Nam tặng sinh nhật người thân gấp vì không kịp gửi về/ Cần mua nhân sâm, tổ yến tặng bố mẹ ở quê vì muốn tỏ lòng hiếu thảo mà không có cơ hội,… vân vân mây mây” (Hiếu hiếu thảo thảo cái mả bố nó chứ).

Chúng dùng đại từ nhân xưng mặc định luôn là “Chị/ Cô” chứ không bao giờ dùng em đâu, cốt để mình thấy nó là người có tuổi, đáng tin từ đầu. Người bán hàng sẽ vui vẻ hứng khởi tư vấn nhiệt tình vì nghĩ là gặp “khách sộp” đây rồi.

Bước 3: Chúng nó hỏi rất chi tiết về sản phẩm. Ví dụ mua vé máy bay chúng sẽ đưa ra vài hãng bay, hỏi giá vé, hỏi về hành lý, chê hành lý ít nhiều, hỏi về việc có transit ở điểm nào hay không, hãng đó có đặt chỗ được không, điều kiện hoàn hủy thế nào,… (nó hỏi kỹ thế để nhỡ nó ra đường bị đâm chết người thân còn kịp bay đến cho nhanh viếng nó đây mà.

Mua túi hàng hiệu chúng sẽ hỏi mã code, hỏi hàng có đúng hàng auth hay hàng fake, hỏi xuất xứ hàng hóa và các chi tiết tỏ ra là một người sành chơi túi.

Mua nước hoa thì chúng sẽ hỏi hương đầu mùi gì, hương giữa mùi gì, hương cuối mùi gì, hương lưu được mấy tiếng. Mùa đông nó thích hương ấm thì dùng loại nào, nó thích khi lên giường phải cuốn hút chồng thì dùng hương nào để nó mua tặng bồ nó

Mua tổ yến thì chúng nó sẽ hỏi người bán chi tiết về chủng loại, cách chế biến, cách bảo quản và còn kêu chụp hình tổ thật, nơi nuôi yến thật để chúng kiểm tra.

Nó mất công thế để làm chi vậy? Thế mới bảo là tinh vi, nó lừa mà lừa theo kiểu để người bán tin sái cổ là nó có nhu cầu mua thật, tìm hiểu quan tâm thật. Quá trình tư vấn đã đê mê tin nó lắm rồi.
Người bán say sưa tư vấn, đưa ra lựa chọn tốt nhất cho nó, cuối cùng nó sẽ chốt khá nhanh về giá cả, mặc cả lấy lệ hoặc đồng ý giá luôn.
Bước 4:

Chúng sẽ cung cấp các thông tin cho người bán, ví dụ mua vé thì nó gửi họ tên, email, số điện thoại, hộ chiếu của một người trời ơi đất hỡi nào đó chúng lụm được trên mạng để đặt vé.

Mua sản phẩm khác để tặng người ở Việt Nam thì chúng sẽ cung cấp thông tin người nhận là một cô, một chú nào đó như “Chú Hùng Phạm, địa chỉ: Bộ ngoại giao”, kèm theo thông tin “Bố chị làm thư ký cho Bộ trưởng bộ ABC nên không nghe điện thoại đâu, em chỉ cần giao đến địa chỉ đó là có người nhận”.

Nghe thông tin đó là thấy nhà đó quan chức to rồi, chắc là mối này ngon lắm đây.
Bước 5:

Chúng nó bắt đầu hỏi thông tin tài khoản của người bán kèm số điện thoại nhận thông báo thay đổi số dư, rồi chúng nó trình bày “Do chị ở nước ngoài nên chỉ có cách chuyển tiền qua dịch vụ Western Union”. Sau đó chúng giải thích 1 hồi về cách thức, quy trình, rằng khi chị thao tác xong sẽ có 1 tin nhắn xác thực gửi về số điện thoại của em, em chỉ cần điền mã số đó vào là tiền sẽ về tài khoản em.

Thực tế Western Union là một dịch vụ chuyển tiền quốc tế khá phổ biến. Lợi dụng vào việc đó, chúng biến tướng tạo một trang web lừa đảo mang tên tương tự và sử dụng khả năng về công nghệ của mình, chúng cài đặt để khi chúng thao tác, hệ thống tự động gửi về tin nhắn trong điện thoại của người bán các thông tin hướng dẫn (có chi tiết ở hình minh họa). Thực chất mã gửi về điện thoại chính là mã otp mà ngân hàng gửi về trong quá trình chuyển tiền.
Bước 6:

Người bán hàng chỉ cần mất cảnh giác chút xíu, trong cơn mê hứng khởi vì bán được hàng, đơn hàng lớn, lời nhiều tiền, vội vàng điền mã số theo link nó hướng dẫn. Thế là “Người ơi ở lại tiền đi nhé” và chỉ còn biết nhe răng cười “Ố kề, xin chào tiền và không hẹn ngày gặp lại” một cách đắng cay.

Anh chị em có thể thấy, trong cả quá trình lừa đảo, đối tượng rất khôn ngoan ở chỗ tạo lòng tin từ lai lịch, lời ăn tiếng nói đến tất cả thông tin chúng cung cấp rất kín kẽ và dễ dụ lòng người. Vì thế một cái sơ hở to tướng là NHẬN TIỀN sao lại phải cung cấp mã số gì cho nó thì chúng ta bỏ qua luôn. Thực tế chả có Việt kiều nào cả, có khi nó ngồi ngay phòng bên cạnh mà chúng ta không biết. Đến khi bị lừa mất tiền mà vẫn u u mê mê rằng đó là "một chị ở một nơi xa lắm cách nửa vòng trái đất".
Kẻ lừa đảo gian xảo ở chỗ nó biết đánh vào tâm lý của người bán hàng, thấy bán được hàng, thông tin được cung cấp thì toàn tin tức đáng tin cậy như thế. Nhiều người đến đoạn chuẩn bị gửi mã otp, chat với bạn hỏi vì cũng hơi lạ lạ, bạn bảo là lừa đảo đó lại còn không dám tin 100%, vẫn còn hụt hẫng vì tiếc đơn hàng, vẫn xưng 1 chị 2 em và vẫn muốn níu kéo chứ không chấp nhận sự thật mình đang trong 1 phi vụ lừa đảo

Người tỉnh táo, hiểu biết còn bị lừa, nói gì những bạn chân đất mắt toét, ít tiếp xúc với công nghệ, có một cái tài khoản mở ra để bán hàng. Và mỗi ngày chúng lừa được không biết bao nhiêu người.

Đấy, chỉ một chút lơ là, anh chị em đã vứt đi bao nhiêu mồ hôi công sức cày cả tháng, sau đó lại tự an ủi bằng câu “Của đi thay người” hay “Đen thôi đỏ quên đi”. Đếch có của nào thay được người, cũng không có đen đỏ rủi may ở đây, đơn giản là tại anh chị em chưa đọc bài viết này của Thỉ thôi
## Nếu đọc rồi, thì đừng tiếc tag mấy đứa bạn cũng bán hàng online như mình, hoặc share rộng rãi cho thiện hạ biết nhé. Mình chịu bỏ ra 1 tiếng để viết, để cắt xén hình ảnh, anh chị em bỏ ra vài giây share ra, giúp cộng đồng chống lại bọn lừa đảo này nha!
Không phải “Đen thôi, đỏ quên đi” đâu, mà là “Đần thôi, khôn quên đi” và “U mê thôi, tỉnh quên đi”!
Quan trọng là thần thái CHỐNG LỪA ĐẢO
Dẫn nguồn Thủy Lê

Đọc xong lưu ý các bạn: Đã là người nhận tiền thì chả phải xác nhận cái quái gì hết. Khi mà tự nhiên bạn thấy phải xác nhận OTP thì chắc chắn giao dịch của bạn đang vào tầm ngắm của LỪA ĐẢO.

Tin cùng chuyên mục