Menu

Mang cả quê hương vào trận đánh. Một ký ức hào hùng

16:43 - 26/05/2021

Bài thơ nói lên tình yêu quê hương đất nước của một người lính trường sơn. Chiến đấu vì quê hương đất nước.

MANG CẢ QUÊ HƯƠNG VÀO TRẬN ĐÁNH
Nguyễn Công Kiểm. Đơn vị  C18E48F320
Xóm 2- Văn Quán, Đỗ Động, Thanh Oai, Hà Nội
Bài thơ viết trong giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại  chiến trường Quảng Trị

Ngắm Trường Sơn bốn mùa mây phủ trắng
Bỗng bâng khuâng tưởng gặp dáng Ba Vì
Dòng Sê Pôn uốn mình quanh núi vắng
Ngỡ sông Đà thúc giục cũng đi theo


Sông Nhuệ áo xanh, sông Hồng rực đỏ
Duyên dáng như người con gái ta yêu
Đêm ngủ võng gọi lòng về nỗi nhớ
Bồng bềnh trôi theo nhịp sóng tay chèo

 

Ta bỗng gặp những làng xa xóm nhỏ
Của Hà Tây in suốt dọc Trường Sơn
Chiều mưa dội trú quân trong rừng cọ
Ngỡ ngày nào đội nón lá làng Chuông


Ta bỗng thấy yêu quê nhà ta quá
Khi đêm trăng lính trạm vút câu hò
Trưa bỗng gió Lào, áo  ngụy trang xanh biếc
Tưởng quê nhà tràm bóng mát đi theo

 

Những đứa con Hà Tây quê lụa

Nơi đã sinh ra Nguyễn Trãi - Ngô Quyền
Ta ra trận cùng tương lai quá khứ
Lịch sử ông cha dục dã bước ta lên
Như Thanh Oai thời kỳ chống Pháp
Như nhớ Hà Hồi, nhớ bến Chương Dương

Ôi quê hương, quê hương trăm thương ngàn mến
Xưa đất cằn nước mặn đồng chua
Nhớ dáng mẹ lưng còng đi mót lúa
Nay quê ta sóng lúa nối 3 mùa
Nghe tiếng bom nổ đầu rừng cuối dốc
Tưởng tiếng bom giặc dội xuống quê mình.

 

Máu Hà Tây, đã thấm từng thớ đất
Của  Cầu Giẽ , Suối Hai, chợ Tía, Vân đình
Cả quê hương theo ta vào chiến trận
Ơi Hà Tây tình nghĩa đã bao đời
Ta sẽ chút lửa yêu thương căm giận
Quét sạch thù giữ trọn niềm vui.

====== Con trai biên tập lại:  Nguyễn Công Hòa 0945.391.886 =====

 

Phân tích bài thơ
Trong bối cảnh lịch sử năm 1967 giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chiến sĩ Nguyễn Công Kiểm đã xung phong tập luyện và chiến đấu. Quê hương là từ thiêng liêng. Hà Tây là địa danh nhân kiệt. Và bài thơ này đã ra đời trong bối cảnh như vậy.
"Ngắm Trường Sơn bốn mùa mây phủ trắng
Bỗng bâng khuâng tưởng gặp dáng Ba Vì
Dòng Sê Pôn uốn mình quanh núi vắng
Ngỡ sông Đà thúc giục cũng đi theo"

Trường sơn 4 mùa mây mù, rùng rậm, noi chiến đấu của bộ đội ta, đồng chí Kiểm đã nhớ sông Đà, con sông tại tỉnh Hoà Bình hiện nay là con sông lớn ở phía bắc. Nơi có ngọn núi  Ba vì hùng vĩ.

"Sông Nhuệ áo xanh, sông Hồng rực đỏ
Duyên dáng như người con gái ta yêu
Đêm ngủ võng gọi lòng về nỗi nhớ
Bồng bềnh trôi theo nhịp sóng tay chèo" 

Đây là dòng thơ đát giá nhất mà tác giả đã viết. Hai con sông Hồng và sông Nhuệ vói 2 màu sắc khác nhau như tính tình yêu - giận của người con gái yêu thương. Đêm ngủ võng như bồng bềnh nằm trên 1 con thyền nan cong vút như lưỡi trăng. Thật sự là một vần thơ rất có ý nghĩa.

"Chiều mưa dội trú quân trong rừng cọ
Ngỡ ngày nào đội nón lá làng Chuông"

Làng Chuông đã hiện hữu trong bài thơ như nỗi nhớ quê với hình ảnh rừng cọ trong cơn mua rừng. Ai xa quê mới có thể hiểu được điều này. Đúng là mang cả quê hương vào trận đánh
 

Giải nghĩa ( Tham khảo Internet)
Ba Vì: là huyện cực tây của Hà Nội, một phần ba diện tích tự nhiên phía nam của huyện là vùng vùng núi cao của dãy núi Ba Vì.


Xê Pôn:  là con sông của Lào và Việt Nam. Nó bắt nguồn từ phía Tây dãy núi Trường Sơn trên địa bàn muang Sa Mouay (Sa Muộn) và muang Nong, tỉnh Savannakhet của Lào, đi về hướng Tây Bắc vào địa phận huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.

 

Sông Đà (còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang) là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông dài 910 km (có tài liệu ghi 983 km), diện tích lưu vực là 52.900 km²

 

Hà Tây cũ  thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nay là một phần thủ đô Hà Nội. Sau khi thống nhất đất nước Hà Tây đổi tên thành Hà Sơn Bình. Thời kỳ đổi mới tác ra một phần là Hà Tây, rồi sát nhập vào Hà nội ngày nay.

Sông Nhuệ hay Nhuệ Giang là một con sông nhỏ, phụ lưu của sông Đáy. Sông dài khoảng 76 km, chảy ngoằn ngoèo gần như theo hướng bắc Tây Bắc-Nam Đông Nam qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam


Làng Chuông: Địa danh làng nghề nón lá thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội ngày nay
Gió Lào: Hiện tượng foehn vào mùa gió Tây Nam thường được dân gian gọi là gió Lào hoặc gió phơn Tây Nam khô nóng.


Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thủ đô Hà Tây cũ), là con của Nguyễn Phi Khanh, tiến sĩ cuối đời Trần, cháu ngoại tư đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán


Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (17 tháng 4 năm 898) trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Tây cũ


Hà Hồi: Trận Hà Hồi hay Trận Hạ Hồi là trận đánh lớn đầu tiên của Nguyễn Huệ (khi này đã là Quang Trung Hoàng Đế) trước Quân Thanh trong cuộc Bắc tiến chống lại sự can thiệp của Đại Thanh ở phía Bắc Đại Việt Tết Kỷ Dậu (1789)


Bến Chương Dương (chữ Hán: 章陽渡, Chương Dương độ) là một bến sông cổ nằm bên sông Hồng, thuộc địa phận xã Chương Dương, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Bến nằm bên hữu ngạn đê sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km. Nơi đây từng diễn ra trận Chương Dương độ nổi tiếng trong lịch sử chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 vào tháng 5, 6 âm lịch năm 1285, do Thượng tướng Trần Quang Khải và các tướng Trần Quốc Toản, Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền... tập kích vào căn cứ thủy quân của quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy, thừa thắng tiến lên chiếm lại kinh thành Thăng Long.


Cầu Giẽ, Suối Hai, chợ Tía, Vân đình: Các địa danh của Hà Tây cũ, và Hà Nội Ngày nay


Bài thơ nói trên được viết trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tôi nghĩ bố tôi đã viết một bài thơ cực kỳ tuyệt vời, có thể đọc thấy rõ được tình yêu quê hương vô bờ bến của ông cũng như am hiểu lịch sử địa lý và trải nghiệm thực tế. Các địa danh của Hà Tây được nêu lên cùng với lịch sử hào hùng của cha ông. Với áng văn đầy tình yêu thương con người trong đó, với hình bóng quê nhà đang phảng phất trong mỗi bước đi xa. Bài thơ được trích trong cuốn Hồi Ký của bố tôi. Niềm tự hào của gia đình.

Tin cùng chuyên mục